spot_img
HomeViệc làm - Nhân sựCâu hỏi liên quan đến giấy phép Lao Động người nước ngoài

Câu hỏi liên quan đến giấy phép Lao Động người nước ngoài

Cùng Maudon.net tìm hiểu: Giấy phép lao động work permit là gì? Thời hạn của giấy phép lao động? Điều kiện xin cấp giấy phép lao động? Chi phí làm work permit cho người nước ngoài…

1. Giấy phép lao động là gì?

Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng về khái niệm giấy phép lao động, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng đây là tài liệu cho phép người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

Giấy phép lao động được cấp bởi Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Thông tin trên giấy phép lao động bao gồm:

  • Họ và tên;
  • Số hộ chiếu;
  • Ngày, tháng.năm sinh;
  • Quốc tịch;
  • Tên và địa chỉ của tổ chức nơi làm việc;
  • Vị trí công việc.

>> Xem thêm: Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Câu hỏi liên quan đến giấy phép Lao Động người nước ngoài

2. Điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài?

Theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động 2019 về điều kiện đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, gồm:

  • Người lao động đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
  • Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc và sức khỏe đáp ứng các tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
  • Không đang trong thời gian chấp hành hình phạt, không có tiền án chưa được xóa và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
  • Có văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài từ cơ quan có thẩm quyền, trừ các trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Bằng việc đáp ứng các điều kiện trên, người lao động nước ngoài có thể được cấp giấy phép lao động để làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

>> Xem ngay: Cách đăng ký tạm trú cho người nước ngoài (online, trực tiếp).

3. Thời hạn sử dụng của giấy phép lao động?

Dựa trên quy định tại Điều 10 của Nghị định 152/2020/NĐ-CP, thời hạn của giấy phép lao động mới được xác định theo các trường hợp sau:

  • Bằng với thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;
  • Kéo dài bằng với thời hạn của việc cử người lao động nước ngoài từ bên nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam;
  • Kéo dài bằng với thời hạn của hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các đối tác Việt Nam và nước ngoài;
  • Kéo dài bằng với thời hạn của hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa đối tác Việt Nam và đối tác nước ngoài;
  • Kéo dài bằng với thời hạn được nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ, khi cử người lao động vào Việt Nam để đàm phán;
  • Kéo dài bằng với thời hạn ghi trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, hoặc doanh nghiệp;
  • Kéo dài bằng với thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ, khi cử người lao động vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại;
  • Kéo dài bằng với thời hạn được chứng minh qua văn bản tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam;
  • Kéo dài bằng với thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài, trừ khi không cần báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Bằng cách này, quy định rõ ràng các trường hợp khác nhau để xác định thời hạn của giấy phép lao động mới, đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng trong việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Lưu ý: Thời hạn tối đa của giấy phép lao động không vượt quá 2 năm.

Câu hỏi liên quan đến giấy phép Lao Động người nước ngoài

4. Cần làm gì khi giấy phép lao động gần hết hạn?

Giấy phép lao động có thời hạn sử dụng khác nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể, nhưng tối đa không quá 2 năm. Do đó, khi giấy phép lao động gần hết hạn, người lao động cần thực hiện các bước gia hạn giấy phép lao động nếu như muốn tiếp tục làm việc.

Điều kiện để gia hạn giấy phép lao động được quy định tại Điều 16 Nghị định 152/2020/NĐ-CP như sau:

  • Giấy phép lao động đã được cấp còn thời hạn ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày;
  • Doanh nghiệp nơi người lao động làm việc được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài;
  • Người lao động cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh rằng họ sẽ tiếp tục công việc đã thoả thuận với người sử dụng lao động theo như giấy phép lao động đã được cấp;

Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, người lao động cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và tiến hành thủ tục gia hạn giấy phép lao động.

Lưu ý: Để gia hạn giấy phép lao động, thời hạn sử dụng của giấy phép phải còn từ 5 đến 45 ngày. Nếu giấy phép lao động của người lao động nước ngoài đã hết hạn, họ không được gia hạn giấy phép lao động mà phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động mới.

>> Xem thêm: Cách viết thư xin việc bằng tiếng Anh.

5. Người nước ngoài làm việc online cho doanh nghiệp ở Việt Nam thì có cần xin giấy phép work permit không?

Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có được sự đồng thuận của cơ quan chức năng Việt Nam và được cấp giấy phép lao động. Vì vậy, nếu người lao động nước ngoài không vào Việt Nam làm việc thì không cần xin giấy phép lao động.

6. Người nước ngoài chưa vào Việt Nam có được cấp giấy phép lao động không?

Như Maudon.net đã chia sẻ thì người lao động nước ngoài làm việc phải có được sự đồng thuận của cơ quan chức năng Việt Nam và được cấp giấy phép lao động.

Do đó, nếu người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, có thể gửi hồ sơ xin cấp giấy phép lao động đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội để được kiểm tra và giải quyết.

>> Tham khảo ngay: Thủ tục xin work permit cho người nước ngoài.

Câu hỏi liên quan đến giấy phép Lao Động người nước ngoài

7. Chi phí làm work permit cho người nước ngoài?

Chi phí thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài gồm:

Hình thức nộp Thời hạn giải quyết Phí, lệ phí
Nộp hồ sơ trực tiếp 5 ngày làm việc 1.000.000 đồng
Nộp hồ sơ trực tuyến, online 5 ngày làm việc 800.000 đồng
Nộp hồ sơ qua bưu điện 5 ngày làm việc 1.000.000 đồng

8. Câu hỏi khác về giấy phép lao động cho người nước ngoài

Câu hỏi 1. Công ty dự kiến tuyển dụng 1 lao động nước ngoài vào tháng 10/2023 nhưng văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động chỉ còn hơn 2 tháng. Công ty có thể điều chỉnh thời hạn làm việc để xin giấy phép với thời hạn tối đa 2 năm không?

Theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, nếu có bất kỳ sự thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài nào như về chức danh, nơi làm việc, hình thức… người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ LĐ-TBXH hoặc Sở LĐ-TBXH trước ít nhất khoảng 15 ngày tính từ thời điểm có kế hoạch sử dụng người lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, công ty không thể thay đổi thời hạn làm việc đối với chức danh nhân viên tư vấn khách hàng vì không có quy định về việc này. Công ty cần có kế hoạch sử dụng nhân sự hợp lý để kiểm soát nhu cầu sử dụng lao động.

>> Xem thêm: Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Câu hỏi 2: Công ty có trụ sở chính đặt tại Hà Nội và có chi nhánh tại TP. HCM, khi thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động và xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại chi nhánh TP. HCM, giám đốc công ty hay người đứng đầu chi nhánh ký văn bản đề nghị? Công ty mẹ có thể ủy quyền cho chi nhánh thực hiện hồ sơ không? Công ty mẹ có thể ủy quyền cho giám đốc nhân sự ký hồ sơ cho cả trụ sở chính lẫn chi nhánh TP. HCM không?

Theo Điều 4 về xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và Điều 9 về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động phải thực hiện các nội dung liên quan.

Công ty cần xác định chủ thể sử dụng lao động để tiến hành thủ tục. Việc ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên; bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Nếu người đứng đầu chi nhánh được công ty mẹ chỉ đạo uỷ quyền và không đề cập đến ủy quyền cho bên thứ 3 thì giám đốc chi nhánh không được ủy quyền tiếp cho người khác.

>> Tải miễn phí: Mẫu giấy ủy quyền cá nhân.

Câu hỏi liên quan đến giấy phép Lao Động người nước ngoài

Câu hỏi 3: Đối với vị trí công việc là chuyên gia, lao động kỹ thuật có quy định người lao động nước ngoài phải có chuyên ngành đào tạo phù hợp với công việc tại Việt Nam không?

Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điểm a, Khoản 3 và Điểm a Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định:

Vị trí công việc chuyên gia yêu cầu tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có kinh nghiệm 3 năm trở lên làm việc ở vị trí công việc sẽ được nhận tại Việt Nam.

Vị trí công việc lao động kỹ thuật: Được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Như vậy, không có quy định chuyên ngành đào tạo phải phù hợp với công việc, nhưng các tổ chức, doanh nghiệp nên xem xét trình độ chuyên môn cần thiết để đảm bảo công việc khi thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Bài viết trên của Maudon.net cung cấp các câu hỏi và câu trả lời phổ biến liên quan đến giấy phép lao động mà có thể bạn sẽ cần. Nếu có bất kỳ câu hỏi, thắc mắc nào liên quan đến bài viết trên hoặc nếu bạn cần hỗ trợ về các loại mẫu đơn, chừng từ thì đừng ngần ngại mà hãy liên hệ trực tiếp với bên mình nhé!

Minh Châu
Minh Châu
Minh Châu sẽ đồng hành và giúp bạn giải quyết tất tần tật các vấn đề liên quan đến văn bản, mẫu đơn… thuộc nhiều lĩnh vực như pháp lý, đào tạo, giáo dục, tài chính, hôn nhân… Bạn đọc có thể chỉnh sửa trực tiếp trên trang và tải về miễn phí.
spot_img

Tham khảo thêm ?